Thứ hai, 27/08/2018 19:50(GMT +7)
Hãng tin Bloomberg cho biết hiện có ít nhất 30.000 tấn cacao bị kẹt trên các cung đường vận chuyển từ Thành phố Lagos – trung tâm tài chính của Nigeria ra các cảng xuất hàng lân cận.
Theo đánh giá của Hiệp hội Cacao thế giới (ICCO), Nigeria hiện là quốc gia sản xuất cacao lớn thứ năm thế giới (đồng hạng với Cameroon). ICCO ước tính sản lượng cacao của Nigeria trong niên vụ 2017/2018 đạt 240.000 tấn.
Ông Pius Ayodele, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cacao Nigeria, cho biết thông thường việc vận chuyển hàng hóa giữa khu vực Apapa, Lagos với đảo Tin Can – cảng chính của Lagos chỉ mất vài tiếng, nhưng hiện mất đến 4 tuần do hệ thống đường giao thông xuống cấp. Trong đó, khu vực tắc nghẽn nhất chỉ cách 6km so với cảng xuất hàng. Nhiều lô hàng cacao hiện đang bị kẹt trên đường vận chuyển ra cảng hoặc kẹt trong các nhà kho trung chuyển tại Lagos.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos, hệ thống giao thông đường bộ nối giữa thành phồ Lagos với các cảng đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do thiếu hụt sự quan tâm từ Chính phủ Nigeria. Sự xuống cấp của hệ thống đường bộ đã gây tắc nghẽn mọi hoạt động giao thương từ xuất khẩu cacao cho đến nhập khẩu xăng dầu, chi phí các sản phẩm có liên quan cũng bị đẩy tăng cao theo.
Ông Muda Yusuf, Tổng giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos, cho biết chi phí bốc dỡ hàng hóa đã tăng khoảng 4 lần do mất quá nhiều thời gian để tiếp cận các cảng, bốc dỡ hàng và di chuyển hàng ra khỏi cảng. Chi phí bốc dỡ tăng sẽ làm giảm nghiêm trọng lợi nhuận của các doanh nghiệp hoặc làm tăng giá cả hàng hóa bán ra cho người tiêu dùng, ông Muda Yusuf nhận định.
Ông Akin Olusuyi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà chế biến Cacao Nigeria, cho biết việc giao các lô hàng cacao chậm trễ sẽ khiến cho các đơn vị xuất khẩu gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh do không nhận được tiền hàng từ các đối tác mua hàng. Ông Akin Olusuyi cũng cho biết có khoảng 1.760 tấn bơ và bánh cacao bị kẹt trên đường ra cảng.
“Hầu hết số hàng trên đã bị mắc kẹt gần ba tuần nay và vẫn còn cách xa cảng xuất hàng”, ông Akin Olusuyi cho biết.
Trong khi đó, Ghana – nước sản xuất cacao lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng sâu bệnh hại tại khu vực Tây Nam nước này bùng phát nhanh. Vùng Tây Nam đóng góp tới 55% tổng sản lượng cacao hàng năm của Ghana.
Người trồng cacao tại Ghana lo ngại dịch bệnh sâu hại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vụ mùa chính khi các loại thuốc trừ sâu không có tác dụng. Ghana hiện đang chuẩn bị thu hoạch cacao vụ mùa chính trong tháng 10. Sản lượng cacao vụ mùa chính thường chiếm đến 2/3 tổng sản lượng hàng năm của nước này. Theo đánh giá của ICCO, Ghana cung cấp tới 20% tổng sản lượng cacao trên toàn cầu, chỉ sau Bờ Biển Ngà.
Theo các thương nhân Nigeria, giá cacao mua tại cổng trại đang có xu hướng giảm do nhu cầu thu mua giảm khi việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng xuất hàng gặp khó khăn. Công ty Agrotrack Ltd - chuyên thu mua cacao cho biết giá cacao hiện chỉ còn 1.766 USD/tấn so với mức 2.208 USD/tấn tong tháng 7/2018.
Hãng tin Bloomberg cho biết hiện tổng lượng cacao được thu mua tại Ghana tính đến ngà 9/8 đã đạt 866.000 tấn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, giá cacao trong các hợp đồng tương lai giao tháng 12 đạt 2.364 USD/tấn, tăng 1.16% so với một phiên giao dịch trước đó.
Nguồn: http://tapchicongthuong.vn
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại Văn phòng Hiệp hội: (+84.24) 3733 6520 - 3845 2818;
Fax: (+84.24) 3733 7498
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.