Đến năm 2025, phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM dự kiến sẽ thu được 16.000 tỷ đồng. Ảnh: Ngô Bình |
Ðồng loạt thu trên 26 cảng biển
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy TPHCM (đơn vị được giao thu phí) cho hay, hình thức thu phí sẽ không sử dụng tiền mặt mà các doanh nghiệp (DN) sẽ thanh toán online thông qua hệ thống 24/7 của các ngân hàng thương mại.
Tính đến trưa 1/4, đã có khoảng 1.000 tờ khai của các DN thông qua hệ thống thông quan của Hải quan TPHCM và cổng thông tin điện tử được vận hành tại Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM. Trong ngày đầu triển khai thu phí, đơn vị cũng đã tăng cường nhân lực, đảm bảo hệ thống vận hành một cách trơn tru, kịp thời giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, khách hàng thông qua tổng đài hotline 19001286.
Ông Tuấn cho hay, quá trình vận hành thử nghiệm trước đây, tất cả các lỗi hệ thống đã được khắc phục. Đến thời điểm này hệ thống đã hoạt động trơn tru, đơn vị sẽ tiếp tục khắc phục những lỗi phát sinh để hệ thống hoạt động trong điều kiện tốt nhất.
“Do hệ thống thu phí được thiết lập tự động hoàn toàn nên các phiếu thu, khoản thu được tính toán tự động, DN không mất nhiều thời gian, không phát sinh thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các khoản thu được tính toán tự động nên minh bạch và được giám sát chặt chẽ, không có sự điều chỉnh vào hệ thống” - ông Tuấn khẳng định.
Công ty CP SX Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi chuẩn bị lô hàng xuất sang thị trường ngoại |
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay, việc triển khai thu phí được thực hiện trên 26 cảng biển ở TPHCM, với mức thu thấp nhất 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/container loại 40 feet. TPHCM sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Dự tính từ nay đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để tái đầu tư vào các công trình hạ tầng cảng biển. Đây là nguồn bổ trợ rất cần thiết, giúp đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông quanh cảng, góp phần giảm chi phí đi lại cho các doanh nghiệp trong tương lai.
“Sau thời gian chúng ta thu tốt và đáp ứng tốt nguồn vốn của từng dự án, tôi nghĩ chi phí của DN sẽ giảm sâu so với thời điểm hiện nay. Việc thu phí không phải hỗ trợ cho DN ở thời điểm hiện tại mà ở những năm sắp tới” - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin.
“Thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn, chúng tôi phải đàm phán với khách hàng để họ chấp nhận mức phí mới. Trường hợp đối tác không chấp nhận thì DN buộc phải quay về với thị trường trong nước. Ðồng thời DN áp dụng công nghệ chuyển đổi số, cải tiến sản xuất để giảm chi phí. Tuy nhiên, việc giảm chi phí này không đáng kể và cần có quá trình lâu dài”.
Ông Lê Mai Hữu Lâm, Giám đốc Công ty CP SX Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi
Bít đường xuất khẩu
Là DN có thâm niên 15 năm tham gia thị trường xuất khẩu chuyên cung ứng vật tư cơ điện cho những khách hàng cao cấp tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, các nước ASEAN, thế nhưng trước hàng loạt thuế phí, giá cả nguyên vật liệu tăng ồ ạt như hiện nay, Công ty CP SX Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi ( huyện Củ Chi) không khỏi chới với.
“DN vừa gắng gượng sau dịch bệnh, đang dần phục hồi thì gặp hàng loạt khó khăn. Đó là nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, chi phí vận tải (logistics) tăng, giờ lại gồng gánh thêm phí cảng biển. Dồn dập các loại thuế phí bủa vây DN, coi như bít đường xuất khẩu” - ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc công ty này nói.
Mỗi tháng, Công ty CP SX Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi đều xuất khoảng 10 container đi nhiều thị trường. Trước đây, giá mỗi container khoảng 2.000 USD đi những nước xung quanh, nay chi phí đã tăng gấp đôi, hơn 4.000 USD. Vị chi mỗi tháng DN này chịu khoảng 40.000 USD chi phí vận chuyển hàng đến thị trường châu Á. Trường hợp nếu đi Mỹ, châu Âu thì giá khoảng 15.000 USD/container.
“DN trong tình trạng “hồi sức cấp cứu”, sức khỏe chưa bình phục thì thêm đợt tăng giá hàng loạt cước, phí thế này, không biết DN sẽ trụ được bao lâu”- ông Lâm cảm thán.
Ông Trần Lam Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thiên Minh cho biết, sau dịch, DN đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu lao động, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics tăng 5-7 lần so với thời điểm trước dịch và thời gian gần đây là giá xăng tăng liên tục… khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2021, chi phí kéo container rỗng từ cảng Cát Lái về nhà máy ở Bình Dương cả đi và về là 3,5 triệu đồng/container, bây giờ tăng thêm 800.000 đồng, cộng với 500.000 đồng/container phí cảng biển TPHCM vừa áp dụng nữa, tính ra mỗi container phải tăng thêm 1,3 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP), trong quý I/2022, mặc dù thị trường nhập khẩu thủy sản thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận. Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TPHCM; trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của DN.
“Công ty bình quân xuất hàng khoảng 1.500 container, như vậy DN phải chi thêm gần 2 tỷ đồng/năm. Giá nguyên vật liệu đã tăng thêm 10-20% nên sức cạnh tranh của DN rất thấp và nguy cơ thua lỗ cao. Nghịch lý là ở chỗ nếu xuất cảng từ TPHCM đi Los Angeles ( Mỹ) chi phí cao hơn chi phí vận chuyển từ Sanghai (Trung Quốc) đi Los Angeles từ 8.000 USD/container. Do vậy hàng hóa của Việt Nam vừa gánh giá nguyên vật liệu tăng, cước phí tăng nên sức cạnh tranh giảm” - ông Sơn nhìn nhận.