Theo Phó Thống đốc, đến 31/3 dừng nhu cầu vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhu cầu trong nước, 30/9 dừng nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu trung dài hạn.
Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đến ngày 25/3/2019 tín dụng tăng 2,28% so với đầu năm, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%).
Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019, ông Tần cho biết NHNN vẫn dự kiến đạt khoảng 14%, tức tương đương mức đạt được năm 2018. Điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng vẫn là một trong những trọng tâm của ngân hàng. Chính sách điều hành tín dụng với những giải pháp phối hợp sẽ tùy vào từng thời điểm, dựa trên diễn biến của thị trường, tuy nhiên luôn hướng tới mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát lạm phát. Phương châm là mở rộng tín dụng nhưng phải an toàn và hiệu quả.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, NHNN nhận thấy rằng với quy mô tín dụng/ GDP hiện nay thì cần kiểm soát chặt chẽ. Bà cho biết, cuối năm 2016, tỷ lệ tín dụng/GDP là 122%, cuối năm 2017 là 130% và năm 2018, tỷ lệ này được kiểm soát làm sao để không tăng lên.
Ngoài ra, năm 2019 là năm mà NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Theo đó, đến 31/3 dừng nhu cầu vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhu cầu trong nước, 30/9 dừng nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu trung dài hạn. Theo Phó Thống đốc, NHNN sẽ thu hẹp dần hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua bán.
Cung cấp thêm thông tin về tình hình tăng trưởng tín dụng, ông Trần Văn Tần cho biết, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%, chiếm tỷ trọng 19,99% (năm 2018 tăng 9,11%, tỷ trọng 19,86%). Riêng tín dụng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 15,35% (năm 2018 tăng 11,17%, tỷ trọng 15,21%).
Tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 1,08%, chiếm tỷ trọng 9,63% (năm 2018 tăng 11,75%, tỷ trọng 9,71%). Tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%, chiếm tỷ trọng 61,21% (năm 2018 tăng 18,19%). Tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 1,01%, chiếm tỷ trọng 9,17% (năm 2018 tăng 5,41%, tỷ trọng 9,25%).
Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Chẳng hạn, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14% (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%). Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%).
Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%). Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,64% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 18% (năm 2018 tăng 15,57%).
Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%).
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, các TCTD tại khu vực Đồng bằng Sông Cứu Long đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân.
Ngoài ra, ông Tần cho biết, NHNN gần đây đã có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Từ tháng 02/2019, NHNN đã yêu cầu các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh đang có dịch nắm sát tình hình cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn và dư nợ bị thiệt hại để kịp thời thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ.
Nguồn: CafeF/Trí thức trẻ
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại Văn phòng Hiệp hội: (+84.24) 3733 6520 - 3845 2818;
Fax: (+84.24) 3733 7498
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.