Ngày 26-1, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết vừa có văn bản gửi Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nam, thời gian qua, cơ quan chức năng của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội, cơ quan truyền thông… đã có nhiều nỗ lực hướng dẫn, thẩm định hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đáp ứng quy định Lệnh 248 (Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc), Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc).

Đến ngày 25-1, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt và cấp 1.485 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt điều về việc doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-11-2021, đã có đơn hàng, đã làm các thủ tục mở tờ khai hải quan, đã đăng ký xuất tàu… nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách doanh nghiệp và cấp mã sản phẩm.

Lô cà phê xuất khẩu Trung Quốc bị kẹt ở cảng cả tháng vì thiếu mã số - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạt sang Trung Quốc bị ách tại cảng vì thiếu mã số (Ảnh minh họa)


Như trường hợp của Công ty A. (trụ sở quận Bình Thạnh, TP HCM) đang bị kẹt 2 container cà phê hạt tại cảng Cát Lái (TP HCM) từ giữa tháng 12-2021 vì chưa được Trung Quốc cấp mã số.

"Để bảo đảm không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai Quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đặc biệt là có minh chứng trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp thuộc trường hợp nêu trên gửi gấp thông tin bao gồm: tên doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh kèm minh chứng. Văn bản gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 28-1-2022 theo địa chỉ email: spsvietnam@mard.gov.vn để kịp thời tổng hợp, kiến nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc có giải pháp hỗ trợ" – văn bản nêu rõ.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Ngô Xuân Nam cho biết Văn phòng SPS Việt Nam muốn ghi nhận thêm các trường hợp doanh nghiệp bị vướng mắc tương tự để thúc đẩy phía Trung Quốc cấp mã số nhanh cho các doanh nghiệp Việt Nam theo tinh thần Hội nghị trực tuyến của thành viên ASEAN với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 hồi cuối tháng 11-2021.

Những năm gần đây Trung Quốc có sự thay đổi lớn trong việc kiểm soát nông sản thực phẩm nhập khẩu. Điều này khiến cho hàng hóa xuất khẩu không chỉ tiểu ngạch mà chính ngạch cũng bị tác động đối với tất các các nước có giao thương với Trung Quốc.

Nguồn: Báo Người Lao động