Tại hội nghị, VICOFA cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 622.168 ha cà phê, diện tích đất trồng cà phê tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk có 200.099 ha, Lâm Đồng có 151.020 ha, Đắk Nông 114.188 ha, Gia Lai có 77.688 ha. Năng suất trung bình cả nước đạt 23,5 tạ nhân/ha và sản lượng đạt 1,4 triệu tấn. Trong tổng số diện tích cà phê của cả nước có khoảng 86.000 ha, chiếm 17,3% tổng diện tích là cà phê già cỗi trên 20, 25 năm tuổi, ngoài ra còn có khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, hiệu quả thấp. Với thực trạng trên, công tác tái canh cà phê được đặt ra hết sức bức thiết với ước tính cần trồng thay thế và chuyển đổi từ 140.000 đến 160.000 ha cà phê trong 5 đến 10 năm tới.
Thực hiện công tác tái canh cà phê, từ năm 2012 đến nay, bằng các nguồn vốn từ doanh nghiệp và vốn vay, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tái canh được khoảng 2.000 ha, trong đó Đắk Lắk 700 ha, Gia Lai 650 ha, Kon Tum 350 ha, Đắk Nông và các nơi khác khoảng 300 ha. Để hỗ trợ vốn cho chương trình tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2013 - 2015, Ngân hàng NN & PTNT đã thông qua gói tín dụng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số đại biểu, số lượng giải ngân nguồn vốn vay trên còn hạn chế do lãi suất cho vay còn cao, trong khi đó yêu cầu tái canh cà phê người dân phải thanh lý vườn cây trong 02 năm nên khó đảm bảo đời sống. Nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác tái canh, từ năm 2010 đến nay, VICOFA đã chi gần 6 tỷ đồng ký hợp đồng mua 15,69 tấn hạt giống và 471.000 cây giống của công ty Ea Kmat thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên để cấp miễn phí cho 05 Sở NN & PTNT của 05 tỉnh Tây Nguyên tổ chức ươm và giao cho người trồng cà phê. Hiện nay ở nước ta có 02 phương pháp tái canh cà phê phổ biến là tái canh bằng cây ghép và tái canh bằng cây thực sinh.
Tại Đắk Lắk, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước, trong năm 2012 đã thực hiện tái canh được 2.644 ha, năm 2013 tái canh 3.643 ha, kế hoạch năm 2014 sẽ tái canh 3.758 ha. Trong thời gian qua, Sở NN & PTNT tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai quy trình kỹ thuật tái canh cà phê đến các hộ nông dân giúp cho bà con ý thức hơn trong việc lựa chọn cây giống, hạt giống để tái canh nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng vườn cà phê.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng để thực hiện công tác tái canh cà phê hiệu quả ở các tỉnh Tây Nguyên cần phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nguồn giống cây trồng phải đảm bảo chất lượng, có chính sách ưu đãi về vốn vay…
Ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng công tác tái canh cà phê là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả cho ngành cà phê và hướng tới sự phát triển bền vững cho cây trồng chủ lực này ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Để công tác tái canh cà phê mang lại hiệu quả cao, Chính phủ cần sớm ban hành đề án tái canh cà phê toàn diện; cần có quy hoạch sản xuất cà phê hợp lý để phù hợp với nhu cầu của thị trường; ngân hàng NN & PTNT cần nghiên cứu hạ lãi suất và thủ tục cho vay phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tiếp cận vốn thuận lợi nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng cây cà phê tái canh.