Thiếu nước tưới, nước sinh hoạt
Những ngày cuối tháng 2/2019, nông dân Gia Lai bước vào đợt tưới thứ 2 cho cây cà phê. Tuy nhiên, ở nhiều huyện của tỉnh Gia Lai đã xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, nhiều nông dân phải tìm nguồn nước ở xa hơn, hoặc là dùng biện pháp như: đào thêm giếng, nạo vét giếng.
Anh Lê Đình Thiềm (trú xã Dun, huyện Chư Sê ) cho biết: “Mới vào đầu mùa tưới nhưng giếng nước đã bắt đầu cạn. Máy bơm chỉ hoạt động được 3 - 4 tiếng rồi phải tắt vì giếng hết nước. Nếu như mọi năm, tôi chỉ cần tưới 4 ngày là xong cả vườn thì năm nay phải mất đến 10 ngày. Còn 15 ngày nữa là tới đợt tưới thứ 3, nếu không có mưa thì thời gian tưới sẽ phải tăng lên đến nửa tháng. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây cà phê”.
Cũng vì thiếu nước tưới nên 2 ha cà phê của gia đình anh Rơ Chăm Jiếp (làng Tốt, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đang trong tình trạng héo úa. Anh Jiếp cho biết: “Mùa tưới năm nay, nguồn nước tưới rất ít. Bởi vậy trong đợt tưới đầu tiên gia đình tôi phải phân nhau túc trực khi nào có nước giếng, nước suối mới bắt đầu kéo máy đi tưới. Nay đến đợt tưới lần 2 nhưng cả nước giếng và nước suối đều cạn rồi. Nhà tôi đành phải thuê người đến nạo vét giếng”.
Thậm chí, một số địa phương của tỉnh Gia Lai đã bắt đầu bị thiếu nước sinh hoạt. Anh Dũ Văn Lục (trú xã Ia Roòng, huyện Chư Pưh) phàn nàn: “Giếng nước nhà tôi sâu 30 m, năm nào cũng nạo vét nhưng cứ tới đầu tháng 3 là bắt đầu hết nước. Năm nay, gia đình tôi cũng đang chuẩn bị thuê người nạo vét giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày”.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây nguyên, do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm, một vài huyện lượng mưa đạt thấp chỉ khoảng 60 – 65% so với nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Mùa khô năm 2019, mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với quy luật (tầm tháng 5/2019).
Ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho hay: “Hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2019, lượng dòng chảy trên các sông suối đạt thấp, đặc biệt là ở vùng Đông Nam của tỉnh (5-15%). Lượng mưa các tháng 3,4,5/2019 thấp hơn trung bình nhiều năm; lượng dòng chảy tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, cạn kiệt xảy ra khá nghiêm trọng và kéo dài trong suốt mùa khô”.
Cùng với đó, mưa trái mùa xuất hiện ít cả về số cơn và lượng mưa cho nên khoảng tháng 3/2019, khô hạn sẽ có thể diễn ra trên khoảng 60% diện tích toàn tỉnh Gia Lai. Hạn hán và thiếu nước sẽ xảy ra gay gắt hơn so với năm ngoái. Dông, tố, lốc và mưa đá có khả năng sẽ xảy ra nhiều hơn.
Chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại
Trước cảnh báo khô hạn có thể xảy ra, để chủ động trong việc phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2019, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản đề nghị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai nhận định: “Các địa phương cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước. Bà con nên áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, đảm bảo đủ độ ẩm cho sự phát triển của cây trồng”.
Cũng theo ông Lương, các địa phương cần tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, khơi thông dòng chảy trên các sông, suối. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác tu sửa, sửa chữa các hạng mục công trình và khẩn trương nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước.
Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt, hướng dẫn người dân cách khắc phục tình trạng thiếu nước của các giếng đào, giếng khoan để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt phải tổ chức xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến để phục vụ cho người dân…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tác hại do hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục nhiều năm ở nhiều địa phương. Tại Gia Lai, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường đã được thực hiện từ năm 2014 đến nay.
Trước tình trạng khô hạn trong mùa khô năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục chuyển đổi 1.351,2 ha đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác như: ngô (hơn 1.100 ha); rau, đậu các loại (44 ha); cây ăn quả (0,6 ha); các loại cây hàng năm khác (103 ha).
Đối phó với hạn hán luôn là nhiệm vụ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan. Nhưng trước mắt, chính người dân phải có cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Nguồn: Báo Mới (27/2/2019)