Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao, khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước. Đồng thời, năm nay diện tích mới tái canh cây cà phê tăng, nên sản lượng cũng giảm theo (diện tích mới tái canh chưa cho thu hoạch).
Hiện sản lượng cà phê của toàn vùng Tây Nguyên đang có chiều hướng giảm dần theo từng niên vụ, cụ thể nếu như niên vụ 2012-2013 đã giảm 10 – 15% thì niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm 15%.
Theo dự báo của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2013 – 2014 đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước. Như vậy, đây là vụ thứ 2 liên tiếp Việt Nam mất mùa cà phê. Nguyên nhân chính được xác định là do thời tiết hạn hán, cùng với những cơn mưa đá hồi tháng 6 đã khiến khoảng 5.000 ha cà phê tại vùng Tây Nguyên bị trắng và khoảng 27.000 ha bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, do hạn hán kéo dài còn khiến cho bệnh gỉ sắt bùng phát ở tỉnh Lâm Đồng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cà phê vụ tới.
Một nguyên nhân khác nữa, đó là khi người dân Tây Nguyên đang thu hoạch cà phê niên vụ 2012-2013 thì xuất hiện mưa phùn rải rác, đã khiến cho hoa nở sớm. Những đợt hoa ra sớm hầu hết đều rụng, không đậu quả, đồng thời làm cho cây cà phê suy yếu nên những đợt ra hoa sau số lượng không nhiều. Điều này đã dự báo niên vụ cà phê 2013-2014 “kém vui” cho bà con trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Thêm vào đó, thời gian qua, thời tiết ở các tỉnh Tây Nguyên diễn biến thất thường đã tạo điều kiện cho sâu bệnh xuất hiện gây hại cây cà phê.
Tại Đăklăk tình hình sâu bệnh đang có diễn biến khá phức tạp, nhất là trong tháng 7 vừa qua: Tình trạng rệp sáp mềm xanh có tỷ lệ hại 5 -12%; mật độ ve sầu từ 2 -6 con/gốc; sâu đục thân có tỷ lệ hại 4 -11%; bệnh rỉ sắt, thán thư có tỷ lệ 4 -11%; nấm hồng có tỷ lệ hại từ 5 -20%...
Điều này được dự báo là đang tiếp tục phát tác trong tháng 8 và có chiều hướng tăng nhanh. Cụ thể tại địa bàn một số huyện trọng điểm trồng cà phê như K rông Buk, K rông Năng, Cư Mgar, thị xã Buôn Hồ…, người dân nơi đây đang nỗ lực phòng ngừa sâu bệnh trên cây cà phê, đồng thời cắt tỉa cành chồi đợt 2 để cây tập trung nuôi quả. Song ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng đến năng suất.
Tại tỉnh Lâm Đồng, qua việc kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh đã phát hiện châu chấu hại cây cà phê tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, với diện tích 17,3 ha (nhẹ 16 ha, trung bình 1,2 ha, nặng 0,1 ha), tỷ lệ lá bị hại trung bình 2,5%; cao nhất 50%. Mật độ: 3,5 con/cây; cao nhất 20 con/cây.
Ngoài ra, tại Đà Lạt sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes) xuất hiện và gây hại trên cây cà phê chè. Qua điều tra của Chi cục BVTV Lâm Đồng có 2,085 ha bị hại, trong đó có 979 ha bị hại nhẹ, trung bình 709 ha và hại nặng là 397 ha. (Tại Xuân Trường 242 ha, Tràm Hành 93 ha, Tà Nung 62 ha). Ngoài ra, diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều có tuổi đời từ 20- 30 năm khai thác, sản lượng và năng suất của những diện tích này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ…
Theo: Báo Nông nghiệp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại Văn phòng Hiệp hội: (+84.24) 3733 6520 - 3845 2818;
Fax: (+84.24) 3733 7498
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.