Trong những năm trước, ở thời điểm như hiện nay, giá cà phê tại 2 sàn kỳ hạn và tại các nước sản xuất thường sôi động và rất nhạy cảm do tin đồn về thời tiết, đặc biệt sương giá tại Brazil. Mấy tuần nay, nhiều người trên thị trường mong có biến động thời tiết để còn có cái cứu được giá giảm bấy lâu. Trời chưa chịu cứu thì người đã ra tay.
Giá cà phê tăng nhờ tin “bên ngoài”
Giá cà phê tại thị trường nội địa phất từ 37.700 đồng/kg cuối tuần trước lên rất nhanh đến 39.700 đồng rồi 40.000 đồng/kg cho đến chiều tối ngày thứ Sáu 12-7-2013 khi sàn kỳ hạn đang hoạt động có giá dương. Sáng nay, thứ Bảy 13-7, giá nội địa vẫn từ 39.800-40.000 đồng tại nhiều vùng nguyên liệu.
Với các mức này, thị trường nội địa đã xôn xao lại tuy có người tiếc rẻ vì đã bán vội khi giá còn nhỉnh trên 37.000 đồng/kg. “Tôi sợ giá xuống nữa vì mấy tuần rồi giá ngày nào cũng rớt, nên đã bán 5 tấn ở mức 37.200 đồng/kg. Nay, giá lên 40.000 đồng, nghĩ mà tiếc hùi hụi”, chị Tâm tại Bảo Lộc tự trách mình.
Giá xuất khẩu loại 2,5% đi từ cảng Việt Nam vẫn được chào ở mức cộng 100 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn. Vẫn có một vài nhà nhập khẩu mua vì phải cần hàng giao.
Sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE thực sự có một tuần tăng tốc sau một thời gian dài “trầm luân”. Từ mức 1.809 đô la Mỹ/tấn cuối tuần trước, giá giao dịch trong ngày thứ Sáu 12-7 có lúc lên chạm mức 1.897 đô la/tấn.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, giá kỳ hạn tăng mạnh trong tuần chủ yếu nhờ “ngoại lực” chứ nếu theo cung-cầu hay dựa trên tin tức thời tiết có được, giá không mạnh đến như thế.
Chính phủ Việt Nam đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu cà phê từ 12 tháng lên 36 tháng. Tin này đã giúp sàn kỳ hạn robusta lập tức tăng giá. Phía arabica, chính phủ Brazil đang muốn áp dụng chương trình quyền chọn bán để bảo vệ nông dân.
Chưa hết, trong vòng chưa đầy một tháng, ngày 19-6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke “vô tình” hứa thu hẹp các kế hoạch kích cầu, hãm dần cung ứng tiền ra thị trường từ mức 85 tỉ đô la/tháng theo các gói “nới lỏng định lượng” nếu thấy tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn. Bấy giờ, giá chứng khoán, hàng hóa như vàng, cà phê…đều đua nhau đổ đèo do các quỹ đầu tư kéo vốn về chờ cơ hội.
Ngày 11-7 vừa qua, cũng do vị chủ tịch này phát biểu, nội dung không khác gì lắm với trước vì nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tốt dần lên, nhưng giá chứng khoán, vàng và cà phê…lại rủ nhau tăng. Tại sao thế? Nhiều nhà đầu tư tài chính cực kỳ tinh tế nhận ra rằng Ben Bernanke đang lo cho một đồng đô la bị tấn công nhiều phía. Nếu ngưng cung ứng tiền cứu nền kinh tế nước Mỹ, các đồng tiền mạnh khác sẽ lấn lướt như đồng bảng Anh, euro châu Âu, yen Nhật và nhân dân tệ Trung Quốc)…và Mỹ không chấp nhận “ôm tiền mà chết” trước các đối thủ trong cuộc chiến tranh tiền tệ xảy ra từ mấy năm nay.
Cuối tuần, giá kỳ hạn robusta quay đầu giảm, song cả tuần vẫn dương. Nhờ vậy, London thoát khỏi nguy cơ rớt sâu như nó đáng phải rớt theo nhiều dự đoán của các nhà phân tích kỹ thuật. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 12-7 tức rạng sáng thứ Bảy 13-7, sàn kỳ hạn robusta cơ sở tháng 9-2013 chốt mức 1.875 đô la, tăng 66 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên).
Cấu trúc giá “đảo nghịch” trên sàn kỳ hạn robusta
Trên đà tăng, sàn kỳ hạn robusta London xảy ra hiện tượng giá đảo nghịch (backwardation). Cấu trúc đảo nghịch là giá tháng giao hàng ngay cao hơn tháng giao hàng xa hơn. Trong điều kiện bình thường, giá sàn kỳ hạn robusta London thường có giá thuận chiều (forwardation) tháng giao dịch sau cao hơn giá tháng giao dịch trước. Mức chênh lệch này thường được hiểu là các chi phí “sở hụi” cho hàng giao xa.
Căn cứ biểu đồ, giá tháng 3-2014 “thuận” vì cao hơn giá tháng 1-2014. Nhưng giá tháng 1-2014 thấp hơn tháng 11 và 9-2013 trong thế đảo nghịch.
Hiện tượng này xảy ra khi thị trường nghĩ lượng hàng hóa trong những tháng giao hàng cận kề có thể gặp vấn đề cung ứng. Qua cấu trúc này, giá tháng 1-2014 có giá thấp nhất vì ở thời điểm ấy chính là tháng ra hàng rộ của vụ mùa 2013/14. Còn 2 tháng cận kề là 9 và 11-2013 đang trong thời gian giáp hạt. Cấu trúc giá kiểu này chính là “lời kêu gọi” người có nhiệm vụ giao hàng phải giao ngay để tranh thủ càng giao sớm càng hưởng được giá cao.
Trước đây, hiện tượng này cũng thường xảy ra nhưng độ cách biệt đôi khi rất xa, có thể vài trăm đô la mỗi tấn. Do có yếu tố dùng tiền và hàng để siết giá cao khi đảo nghịch nên người ta thường gọi là“vắt giá” (price squeezing).
Đến hết ngày 12-7, cấu trúc giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE nghịch đảo vì có giá tháng 9 cao hơn tháng 11-2013 là 17 đô la và cao hơn giá tháng 1-2014 là 33 đô la. Nếu các mức này chừng 50-70 đô la trở lên, có thể tạo nên “vắt giá”, ít nhiều có lợi cho người bán.
Robusta đang mất dần tính cạnh tranh
Tuy nhiên, do đồng real Brazil (BRL) rớt giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, Brazil bán nhiều đưa giá arabica xuống mạnh hơn so với robusta. Tuần này, sàn arabica Ice âm 1,85 cts/lb hay 41 đô la/tấn, riêng ngày cuối giảm 4 cts/lb. Vì thế giá cách biệt (arbitrage) giữa hai sàn đang co lại, rất bất lợi cho robusta vì mất tính cạnh tranh, đẩy rang xay quay về sử dụng arabica nhiều hơn.
Hiện mức cách biệt giữa hai sàn là 34,75 cts/lb, tức 766 đô la/tấn. Trước đây có lúc mức này là 187 cts/lb tức chừng 4.100 đô la/tấn. Thường mức an toàn để cân đối mua công bằng cho cả hai là từ 63-70 cts/lb. Tại thị trường hàng thực nội địa Brazil, mức này còn thấp hơn, có thể chỉ từ 20-25 cts/lb tức chừng 500 đô la/tấn.
Cung đang lướt cầu
Báo cáo định kỳ tháng 6-2013 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước rằng sản lượng cà phê niên vụ 2012-13 của thế giới kết thúc vào ngày 30-9 tới đây cao hơn năm trước là 7,8%, đạt 144,6 triệu bao, trong đó có 88 triệu bao arabica và 56,6 triệu bao robusta (tăng 8,4%). ICO cũng cho rằng tiêu thụ toàn cầu đạt 138 triệu bao, thừa 6,8 triệu bao để chuyển sang niên vụ mới 2013-14. Sản lượng niên vụ mới Indonesia có thể đạt trên 12 triệu bao, cao gần gấp đôi so với các niên vụ cũ!
Báo cáo định kỳ của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) nói rằng lượng cà phê tại châu Âu do ECF kiểm soát tăng 320.199 bao trong tháng 4-2013, đưa tổng số tồn kho ở đó lên 10.561.523 bao (xin xem biểu đồ). Đến ngày báo cáo, có 1 cảng không kịp báo cáo, nên sau này có thể chỉnh tăng. Tồn kho tại Nhật cũng tăng lên mức cao kỷ lục tính đến hết tháng 5-2013 này, đạt 157.190 tấn, trong đó cà phê nhập khẩu từ Brazil chiếm tỉ lệ lớn với 68.651 tấn. Châu Âu, Mỹ và Nhật là 3 khối nước nhập khẩu cà phê lớn nhất. Tồn kho của các nước này có ảnh hưởng nhất định đến giá cả thị trường.
Báo cáo tồn kho thuần robusta được Liffe NYSE công nhận chất lượng (certs) cho rằng trong kỳ báo cáo ra 2 tuần 1 lần tính đến ngày 8-7-2013 giảm 3.830 tấn, chỉ còn 115.750 tấn hay 1,93 triệu bao. So với cách đấy 1 năm, lượng hiện nay giảm 27% (xin xem biểu đồ).
Trong khi đó, tồn kho thuần arabica“certs” của sàn Ice New York đang ở mức 2.744.928 bao, tức 164.696 tấn, cao hơn lượng thuần robusta gần 50 ngàn tấn. Trước đây, certs arabica thường nhỏ hơn robusta do chất lượng đòi hỏi rất ngặt và do giá trị arabica cao hơn nhiều so với robusta. Lượng tồn kho certs arabica này chỉ tăng cao hơn robusta từ khi giá trị arabica quá rẻ so với robusta và chất lượng qui định mềm hơn với hàng thường của Brazil.
Theo Sài gòn Times
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại Văn phòng Hiệp hội: (+84.24) 3733 6520 - 3845 2818;
Fax: (+84.24) 3733 7498
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.